Saturday, December 19, 2009

Quan điểm thứ ba của một người Canada về cải cách giáo dục ở bậc đại học tại Việt Nam

Vấn đề giáo dục ở bậc đại học là một vấn đề đang rất bức xúc ở Việt Nam. Ai cũng cho rằng hệ thống giáo dục đại học ở VN đang có những khủng hoảng rất trầm trọng. Tháng 9 vừa rồi có một báo cáo của một nhóm liên kết các học giả VN và Hoa Kỳ (trên trang web: http://vietnam.usembassy.gov/uploads/images/COz3gq9l6NejWPOswskCFg/EduTaskForceReport-Sep09.pdf), và một giảng viên người Mỹ đã có một bài phản hổi rất hay (trên trang web: http://www.math.washington.edu/~koblitz/vnhigheredE.pdf). Rất có thể các bạn đọc đã cảm thấy nhàm chán về vấn đề này. Nhưng nếu các bạn vẫn còn một chút quan tâm và nhiệt huyết về vấn đề này thì xin hãy đọc tiếp bài viết này của tôi.

Trước hết tôi xin tự giới thiệu với các bạn, tôi là một học giả sử học người Canada, đã có bằng cử nhân của ĐH Victoria tại Canada, bằng thạc sĩ của ĐH Cambridge tại Vương Quốc Anh, và bằng tiến sĩ của ĐH California, Berkeley, tại Hoa Kỳ. Tôi đã là giảng viên tại ĐH Ohio (Mỹ), và đã và đang phụ trách một chương trình của ĐH California tại VN được bảy năm.

Trong công việc của mình, tôi đã có cơ hội hợp tác và làm việc với nhiều trường ĐH, học viện, và giảng viên tại VN. Và đặc biệt hơn, tôi đã giảng dạy nhiều SV người Việt trong một lớp học đặc biệt cho SV VN và SV Mỹ. Qua đó, tôi nhận thấy rằng các SV VN không hề thua kém các SV quốc tế. Hàng năm, trong lớp học của tôi, các SV VN hoàn toàn có thể cạnh tranh được với những SV Mỹ đến từ các trường ĐH nổi tiếng như ĐH California tại Berkeley, tại Los Angeles, v.v. Vậy nếu hệ thống giáo dục ĐH ở VN có thể đào tạo ra những SV thông minh, năng động, và có khả năng tư duy phản biện(critical thinking) như vậy, thì khủng hoảng ở đây thực sự là gì, và giải pháp cho nó có thể là gì?

Theo quan điểm của Đại sứ quán Hoa Kỳ, toàn bộ hệ thống giáo dục VN tại tất cả các bậc học đều rất kém, không có cách nào để cải thiện được từ bên trong. Chỉ có một cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là thành lập một “American-Style University” (trường ĐH theo chuẩn Hoa Kỳ). Cái được gọi là “American-Style University” sẽ là “một kim chỉ nam cho những thay đổi tốt đẹp hơn, và là một hình mẫu để các trường ĐH VN học tập và noi theo.” (trang 13 của báo cáo của nhóm liên kết).

Nhưng liệu có phải như vậy không? Và những người viết nên báo cáo đó có dẫn chứng nào cho thấy rằng một “American-Style University” sẽ là một hình mẫu để cải cách hệ thống giáo dục ĐH tại VN hay không? Để chứng minh cho quan điểm của mình, họ đã dùng những trường ĐH: Middle East Technology Institute (Thổ Nhĩ Kỳ) và Indian Institute of Technology (Ấn Độ) làm ví dụ. Bây giờ tôi mới hiểu phải chăng vì vậy mà khi nghĩ đến những nền giáo dục tiến bộ trên thế giới, người ta nghĩ ngay đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ? Phải nói thẳng rằng một trường ĐH cao cấp nhỏ sẽ chỉ có một ảnh hưởng rất hạn chế lên toàn bộ nền giáo dục VN.

Thứ hai, có phải đất nước ta thật sự cần một trường ĐH nghiên cứu đạt chất lượng quốc tế (“world-class research university”)? Để thành lập và duy trì một trường ĐH nghiên cứu sẽ rất tốn kém. Một bằng chứng rất thuyết phục là trường ĐH nổi tiếng Harvard. Harvard chỉ là ĐH Harvard vì nó có rất nhiều tiền, không chỉ từ nguồn học phí cao mà quan trọng hơn là có lợi nhuận từ một quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới mà trường đó sở hữu (xem trên trang web: http://www.thebigmoney.com/articles/diploma-mill/2009/01/27/losing-harvards-billions). Thử hỏi rằng, trường ĐH nghiên cứu này có thể có được một quỹ đầu tư có giá trị hơn 30 tỷ đôla không? Nếu không thì hàng năm chính phủ VN sẽ phải đầu tư một số lượng lớn tiền vào đó.

Thứ ba, đến khi tốt nghiệp, những nghiên cứu sinh của American-style university này sẽ làm gì và làm ở đâu? Lấy ví dụ của tập đoàn Intel (vì ai cũng lấy ví dụ này nhưng rất ít người sử dụng nó cho mục đích khách quan): tại VN, tập đoàn Intel chỉ có hai hoạt động chính là sản xuất và bán hàng, không có hoạt động nghiên cứu và phát triển. Và để làm việc tại Intel hay những tập đoàn đa quốc gia khác, trong thực tế thì bạn chỉ cần một chứng chỉ từ một trường cao đẳng hoặc một trong những cơ sở đào tạo nghề đang mọc ra như nấm. Thế thì việc thành lập một “world-class” “American-style” “research university” là một cách vô cùng tốn kém để đáp ứng một nhu cầu mà nền kinh tế VN trên thực tế không có. Và trong trường hợp nếu VN cần một số lượng nhỏ nghiên cứu sinh bậc cao thì cách đỡ tốn kém và hiệu quả hơn sẽ là cử họ đi đào tạo tại nước ngoài.

Thế phải hỏi American-style university này sẽ đáp ứng nhu cầu của những ai? Một là Mỹ. Hai “chuyên gia” Mỹ (không rõ hai ông ấy là chuyên gia về lĩnh vực gì) đã tư vấn nhóm liên kết các học giả VN và Hoa Kỳ, viết một cách rất “thẳng thắn,” “Việt Nam phải sẵn sàng trả”.” (trang 6 của báo cáo, trên trang web: http://www.hks.harvard.edu/innovations/asia/Documents/HigherEducationOverview112008.pdf ) Để thành lập ĐH này, Việt Nam phải vay tiền từ Ngân hàng thế giới (mà cũng chính là từ Mỹ) để trả lương cho các “chuyên gia” và giảng viên người Mỹ. Ý hay đấy! Và ngoài ví dụ này của “phép thuật tài chính kiểu Mỹ”, ĐH này sẽ là một cách rất hiệu quả để Mỹ có thể tăng tầm ảnh hưởng đối với giới lãnh đạo và chính trị Việt Nam. Mục đích này được biểu hiện rất rõ trong một báo cáo nội bộ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam viết năm 2008 (trên trang web: http://www.viet-studies.info/us_vn_education_memo.htm).

Nhưng một American-style university cũng đáp ứng được một phần nhu cầu chính trị của Việt Nam. Có một trường đại học đẳng cấp quốc tế sẽ là bằng chứng rất hùng hồn rằng Việt nam là một đất nước đang “phát triển.” Như vậy ngài chủ tịch nước ta sẽ không ngại gì khi ngồi ngang hàng với ngài chủ tịch quốc đảo Singapore. Nhưng theo tôi nghĩ, cách tốt nhất để phát triển một đất nước là bằng cách sử dụng các “công nghệ phù hợp” (appropriate technologies). Ví dụ, tôi có đủ điều kiện, có bằng lái xe ô tô nhưng tôi vẫn đi xe Honda Wave và cảm thấy rất thương những người đi các loại xe đắt tiền mà rất khó đỗ, rất dễ bị tắc đường và rất tốn xăng. Một chiếc xe Bentley hay 500 chiếc xe Wave? Thành lập một American-style university hay cải cách cả hệ thống đại học, cao đẳng? Đôi khi giá phải trả cho “đẳng cấp” là quá đắt, đặc biệt nếu công dân Việt Nam phải thanh toán.Và cũng có một lý do cụ thể hơn để thành lập ĐH này: VN đang bị nghiện các loại “project” (dự án). Không chỉ là người Mỹ sẽ có ích lợi từ dự án này mà cả mỗi một người Việt từ trên trở xuống, những người sẽ chịu trách nhiệm cho các mặt của dự án. Và mặt hay nhất của các “project” kiểu này là chúng sẽ không bao giờ đáp ứng mục tiêu. Chính vì vậy VN sẽ mãi có những đường cao tốc phải làm lại sau vài năm, những dự án giúp người thoát nghèo mà không cho thoát, và những dự án mới để giáo dục VN được thật sự là “world class”. Thế mà hãy cho thêm một project nữa đi!

Không. Ngoài những chuyên gia người Mỹ, không ai tin vào phép thuật cả. Ai cũng biết rằng để giải quyết các vấn đề giáo dục tại VN, phải cần nhiều thời gian và nỗ lực, và phải cần cải cách cả hệ thống giáo dục từ cấp một đến bậc ĐH. Từ ngày đầu một HS bước vào trường, HS này sẽ đối mặt với ba vấn đề rất lớn: một là vấn đề về nội dung không có tính thực tế của các môn học; hai là phương pháp dạy và học tập trung vào học gạo và mục đích chỉ là chuẩn bị cho các kỳ thi; ba là tệ tham nhũng trong giáo dục. Để giải quyết những vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cho phép các trường được tự do hơn về nội dung và phương pháp dạy và học, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng tham nhũng ở các trường. Và trên tất cả, để có kết quả giáo dục tốt, chúng ta cần những giáo viên giỏi và thực sự tâm huyết, đào tạo họ thực tốt, và có một chế độ đãi ngộ thích đáng. Nếu lương của giáo viên chưa đủ để đảm bảo cuộc sống của họ, thì làm sao nghề giáo có thể thu hút những người giỏi, năng động có khả năng đào tạo những tương lai của đất nước ta? Thầy nào trò đấy.

Để có một tương lai tốt đẹp hơn, Việt Nam cần có một cải cách từng bước và cẩn trọng đối với toàn bộ hệ thống giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cho các trường tự do xây dựng nội dung và phương pháp, và chỉ nên tập trung vào việc đặt ra các tiêu chuẩn và kiểm soát cho các trường đạt được các tiểu chuẩn chung đó. Và thay vì đổ hàng trăm triệu đôla vào việc xây dựng một “American style university”, hãy dùng số tiền đó để phát triển một đội ngũ giáo viên VN tốt và giỏi. Đó là cách tốt nhất để mang lại một nền giáo dục chất lượng cho các thế hệ trẻ VN, và hướng tới một tương lai công bằng, phát triển, văn minh, dân chủ hơn.


Tôi xin chân thành cảm ơn bạn Phạm Thị Phương Liên vì sự giúp đỡ và những đóng góp xác đáng cho bài viết này.

3 comments:

  1. Highly appreciate this opinion, although to some extent it is more associated with Neal Koblitz's idea :-)

    ReplyDelete
  2. Thầy ơi, such a wonder-post, I really really love this post. Thầy thật là tâm huyết với Việt Nam :)
    Khánh Linh

    ReplyDelete